Ngày 01/12/2022, học sinh của 8 lớp khối 6 đã tới tham quan hai di tích lịch sử địa phương là đình Thổ Khối (Phường Cự Khối) và đền Trấn Vũ (Phường Thạch Bàn). Dẫn đầu đoàn là thầy giáo Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Hiệu trưởng nhà trường, cùng các thầy cô giáo chủ nhiệm khối 6 và đặc biệt gần 400 học sinh lớp 6 tham gia.
Đoàn tham quan di tích lịch sử trường THCS Ái Mộ tại đình Thổ Khối
Tham quan di tích lịch sử địa phương là hoạt động trải nghiệm bổ ích và thú vị. Tại địa điểm di tích lịch sử, các em được dâng hương tỏ lòng thành kính biết ơn với các vị Thánh, vị Thần có công với quê hương, đất nước. Các em cũng được Ban quản lý giới thiệu về nguồn gốc, lịch sử, kiến trúc của đình và của đền. Ánh mắt chăm chú, nét mặt rạng rỡ, say mê ghi chép. Các em vô cùng hào hứng, thích thú học tập.
Học sinh khối 6 tham quan đình Thổ Khối và đền Trấn Vũ
Đình Thổ Khối nằm tại ven đê thuộc hữu ngạn sông Hồng. Dưới góc nhìn phong thủy, có người cho rằng đây là thế đất “Rồng chầu”, bởi dải đê sông Hồng là thân Rồng, giếng đình và đầm đền Cây là mắt Rồng, đình, chùa đối xứng nhau là gò má Rồng, đê quai sau đình là hàm Rồng. Dưới thời Nguyễn, Thổ Khối là một xã thuộc tổng Cự Linh, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, xứ Kinh Bắc. Thổ Khối và Xuân Đỗ nhập làm một xã mới là Cự Khối thuộc huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh. Từ năm 1961, huyện Gia Lâm được nhập về ngoại thành Hà Nội. Hiện nay, đình Thổ Khối thuộc phường Cự Khối, quận Long Biên. Theo lời kể của dân Thổ Khối thì vào thời Lê (thế kỷ XV-XVIII) có ông Đào Duy Chinh (Trình) vốn người huyện Tống Sơn, phủ Thanh Hoa (Thanh Hóa) đến vùng bãi bồi này lập thành ấp Vạn Thổ. Về sau dân cư ngày càng đông đúc lập thành làng Thổ Khối. Khi người họ Đào qua đời, dân làng Thổ Khối ghi nhớ công ơn khai sinh lập ấp, bèn thờ làm Thành hoàng trong đình.
Đền Trấn Vũ có tên chữ là Trấn Vũ quán, hay “Hiển linh Trấn Vũ quán”. Đền nằm ngay sát phía trong đê sông Hồng, thuộc xóm Đìa, thôn Ngọc Trì, xã Thạch Bàn, huyện Gia Lâm, nay thuộc tổ 5, phường Thạch Bàn, quận Long Biên. Đền Trấn Vũ được xây dựng trên thế đất Quy Xà hội tụ và nhìn về hướng Bắc. Trên đồng có gò đất nổi lên được coi là hình Rùa. Sau đền và chùa là đê sông Hồng, được coi là hình Rắn (hay Rồng). Trong đền có pho tượng đức Huyền Thiên Trấn Vũ là một trong hai pho tượng cổ bằng đồng lớn nhất hiện còn. Cùng với tượng Trấn Vũ ở đền Quán Thánh (Ba Đình), tượng Trấn Vũ ở Thạch Bàn là biểu hiện rực rỡ của nghệ thuật tạo tượng lớn và kỹ thuật siêu việt trong nghề đúc đồng cổ truyền.
Khi được hỏi cảm nghĩ về buổi học ngoại khóa tìm hiểu di tích lịch sử địa phương, các em đều vui vẻ trả lời rằng rất thích những chuyến đi thực tế như thế này vì qua chuyến đi các em thấy được giá trị của di tích lịch sử.
Khép lại buổi thực tế đầy ý nghĩa, các em không những có thêm hiểu biết về lịch sử quê hương Long Biên thân yêu mà còn thấy vô cùng tự hào về mảnh đất rồng thiêng này, thêm yêu, thêm gắn bó với quê hương. Hi vọng rằng các em sẽ có những bài thu hoạch sâu sắc và sẽ có những hành động thiết thực giữ gìn, vun đắp, phát huy truyền thống, góp phần xây dựng quê hương tươi đẹp.